
Để có được những ca ghép tạng mở ra một trang đời mới cho các bệnh nhân là nỗ lực không thể kể hết bằng lời của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. Đằng sau mỗi ca phẫu thuật là cả câu chuyện dài...
May mắn số ít
Tết vừa qua là cái tết đáng nhớ của Phan D. Q. (Phú Thượng, TP. Huế). Năm nay, Q. đã có thể phụ giúp mẹ một vài công việc nhà đơn giản. Phan D. Q. đang tràn đầy ước mơ hoài bão khi đang ở tuổi sinh viên thì phát hiện bị bệnh giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối. Có các thông số trùng khớp, chàng trai trẻ được ghép tim đầu năm 2022. Quả tim hiến tặng giúp hồi sinh một cuộc đời mới. Q. ăn ngon, ngủ ngon và đặc biệt không phải chịu đựng những cơn đau như trước.

Theo dõi các thông số trong cuộc ghép tạng
Theo dõi các thông số trong cuộc ghép tạng
Trước đó, tháng 1/2022, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo điều phối 1 quả tim cho Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế từ người cho chết não. Thời điểm này, dịch COVID-19 diễn biến cam go. Đoàn công tác phải chạy xe xuyên đêm ra Hà Nội. Quả tim hiến tặng được chuyển qua đường hàng không về Đà Nẵng rồi vận chuyển ra Huế. Trong công tác vận chuyển tim ghép, Vietnam Airline luôn tạo điều kiện để ê kíp di chuyển kịp thời. Tiếp theo là một “cuộc chiến” căng não trong phòng mổ, may mắn sau 3 tiếng đồng hồ, quả tim ghép đập nhịp đầu tiên trong lồng ngực Q., đánh dấu ca ghép tim thứ 8 thành công tại BVTW Huế.

Phẫu thuật viên ghép tim cần có kinh nghiệm, sức khỏe
Phẫu thuật viên ghép tim cần có kinh nghiệm, sức khỏe
Mẹ Q., bà Võ T. P. L. cho hay, sức khỏe của con đã khá hơn. Chị vẫn đưa cháu đi tái khám đều đặn. “Con có tận 2 ngày sinh nhật. Lần tôi sinh cháu ra và lần hồi sinh sau ghép tim”, chị nói. Cảm ơn người hiến tạng giúp con mình có một cuộc sống mới, cả gia đình chị P. L. đã có một chuyến đi miền Bắc cảm tạ ân nhân.
Theo một chuyên gia ghép tạng, ghép tim là phẫu thuật khiến các ê kíp luôn lo lắng. Không có cuộc nào giống cuộc nào, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, sức khỏe, thậm chí là thần kinh thép.

Ghép tim cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận
Ghép tim cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận
May mắn hơn bao bệnh nhân khác, anh T. Q. H. (Phú Vang) sau hơn 2 năm ghép tim đã lao động bình thường trở lại. Hàng tháng, anh vẫn tái khám và uống thuốc chống đào thải sau ghép. “Trở lại đời thường”, anh hăng hái làm việc cùng các đồng nghiệp ở công ty và tham gia phong trào chung. Sau khi vào thăm gia đình người hiến tạng, anh H. có thêm những người thân mới, cả một người anh em kết nghĩa ở Hà Nội được ghép gan từ cùng một người cho.
“Cảm giác sau ghép có gì đó rất khó tả. Khi vào thăm gia đình người hiến tạng, mình cảm nhận được sự gần gũi, thân tình đến kỳ lạ. Các anh chị em trong gia đình xem mình như người nhà, thường xuyên động viên thăm hỏi. Nhóm các anh em được ghép tạng như mình thường xuyên hỏi thăm, động viên, chia sẻ về phương pháp giữ sức khỏe, điều trị sau ghép”, anh H. kể.

Phan D.Q. hồi phục nhanh sau ghép tim
Phan D.Q. hồi phục nhanh sau ghép tim

Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng bệnh nhân sau ghép tạng
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng bệnh nhân sau ghép tạng

Lễ ra viện của ca ghép tim thứ 8
Lễ ra viện của ca ghép tim thứ 8
Quá trình vận chuyển tim hiến tặng bằng đường hàng không có sự hỗ trợ rất nhiều của VN airlines
Gửi lại người sau nguồn sống ý nghĩa
Trong dãy dài danh sách bệnh nhân chờ được ghép tạng, số người được như Q. và anh H. rất ít, bởi tất cả phụ thuộc vào nguồn hiến tạng. Nguồn tạng được ghép ở Huế chủ yếu xuất phát từ hai đầu đất nước, dưới sự điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Bác sĩ (BS) Trần Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BVTW Huế hầu như thuộc lòng các trường hợp trước ghép và sau ghép. BS Cẩm Tú bảo, chỉ cần nhắc tên, chị có thể đọc ra một “file” thông tin riêng. “Tiếp xúc nhiều, gắn bó, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tình… từng ca bệnh nên những cảnh đời ấy thấm vào chị lúc nào không hay”, chị kể.
Việc vận động hiến tặng mô, tạng… còn lắm gian nan. Ở các ca chết não, khi đồng ý hiến tạng, BS. Cẩm Tú cùng ê kíp lập tức thu xếp trao đổi cùng với người nhà bệnh nhân trong vòng 24 giờ. Vừa chạy đua với thời gian song cũng phải khéo léo “đả thông” tư tưởng, vận động gia đình. Đây là khâu quan trọng. Tuy nhiên, có khi lại “trắng tay” vì đơn vị y tế đó không đảm bảo đủ điều kiện lấy tạng an toàn.
BS. Tú còn nhớ mãi một trường hợp cách đây hai năm, mặc dù bệnh nhân, bố mẹ đồng ý hiến tạng song ông bà ngoại không đồng thuận nên việc hiến tạng bất thành. Kinh nghiệm cho thấy, theo tư duy người miền Trung, việc hiến tạng nên được xúc tiến và đặt vấn đề đầu tiên. Việc kêu gọi hiến tạng phải theo kiểu mỗi ngày một ít cho đến khi mọi người hiểu, “ngấm” dần.
Tại lễ phát động hiến tạng đầu năm 2023 ở BVTW Huế, chương trình ghi nhận hàng chục trường hợp đến đăng ký. Một bạn trẻ là sinh viên của ĐH Huế chia sẻ: “Đây là nghĩa cử nhân văn mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân hiểm nghèo. Mỗi người chỉ sống một lần, khi ra đi nếu để lại chút gì đó ý nghĩa trong đời thì thật là hay biết mấy”.
Cuối năm 2022, ông Nguyễn T. D., 70 tuổi, Phan V., 84 tuổi (cùng ở TP. Huế) mù lòa hơn 10 năm qua đã tìm lại ánh sáng sau 10 năm nhờ giác mạc của bà Trần Thị A. T. (54 tuổi) tại Buôn Hồ, Đắk Lắk. Một tuần sau phẫu thuật, thị lực cả hai bệnh nhân đã được hồi phục một phần, bệnh nhân đã có thể tự đi lại, nhìn mọi thứ trong khoảng cách 2-3m. Sau khi được nhìn thấy mọi thứ trở lại, ông Nguyễn T. D., Phan V. đã làm đơn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời ngay trong ngày ra viện. Đó như một một lời tri ân bệnh nhân hiến tặng, cảm ơn tấm lòng nhân ái đã cho họ lần thứ hai được nhìn thấy ánh sáng trọn vẹn. Một người trong số họ bảo: “Cho đi là còn mãi. Tui cũng muốn gửi một món quà ý nghĩa đến với cuộc đời này”.
Từ năm 2001-2022, BVTW Huế thực hiện 1.311 ca ghép mô, tạng. Trong đó, năm 2022 thực hiện 178 ca ghép thận, 2 ca ghép tim và 2 ca ghép giác mạc. GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế cho hay, đơn vị vẫn tiếp tục cử đội ngũ nhân lực học tập ở nước ngoài, tiếp cận các kỹ thuật mới nhất về ghép tạng phục vụ người dân.
Theo BS. Trần Thị Cẩm Tú, năm 2023, Trung tâm Ghép tạng, BVTW Huế sẽ chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, vận động hiến tạng nhằm tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân. Liên hệ với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhằm thay đổi quan niệm về hiến tạng. Trung tâm Ghép tạng, BVTW Huế sẽ xúc tiến các hoạt động phát động trong cộng đồng, ví dụ như lồng ghép trong hoạt động hiến máu tình nguyện. Thành lập mạng lưới vận động hiến tạng chết não, bao gồm các thành viên của các khoa/ phòng trong toàn viện.
Khi xã hội tiến bộ thì quan niệm hiến tạng cứu người đã có phần cởi mở hơn trước. Truyền thông và hình ảnh những ca ghép tạng thành công phần nào tác động vào nhận thức của cộng đồng. Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh T. Q. H. bảo rằng, ở trong cảnh bệnh tật hiểm nghèo mới thấy hành động hiến tạng thiêng liêng, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Sau khi được ghép tim, anh đều mang câu chuyện bản thân chia sẻ với bạn bè, người thân và vận động mọi người tham gia hiến tạng. “Nếu có cơ hội, hãy cứu sống người khác. Hiến tạng cứu người là mang lại phước báu cho gia đình, gửi lại cho người sau nguồn sống ý nghĩa. Tôi mong thông điệp này sẽ được lan tỏa”, anh H. nói.



Nội dung: TUỆ NINH
Ảnh: THƯỢNG HIỂN
Trình bày: QUANG THIỀU